(Hoailegal)-Sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, vì nhiều lý do khách quan, Nhà nước ta không tiếp tục duy trì chế định Thừa phát lại.
Với tính chất công việc thì có thể nói chế định Thừa phát lại đã tồn tại ở Việt Nam từ thời phong kiến. Tuy nhiên, chế định Thừa phát lại chỉ thực sự áp dụng ở Việt Nam từ thời pháp thuộc khi Pháp đưa mô hình này để áp dụng ở Việt Nam.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, chế định Thừa phát lại được quy định trong các văn bản pháp luật như: Bộ luật tố tụng Nam Việt ban hành năm 1910, Bộ Dân luật Trung năm 1942, Bộ Dân luật Bắc 1931, Bộ Dân sự tố tụng năm 1917, Nghị định số 111 ngày 08/03/1949 của chính quyền Bảo Đại.
Ông Nguyễn Đức Chính, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và các trưởng văn phòng Thừa phát lại thảo luận trong một buổi trực tuyến Thừa phát lại. Ảnh HTD
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trên cơ sở Sắc lệnh ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc cho giữ tạm thời các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung và Nam Bộ cho đến khi ban hành những bộ luật chung, thống nhất cho toàn quốc, nếu những đạo luật ấy “không trái với các nguyên tắc độc lập của nhà nước Việt Nam và chính sách dân chủ cộng hòa”, chế định Thừa phát lại tiếp tục được duy trì. Tại sắc lệnh số 130 ngày 19/07/1946 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quy định: Trong các xã, thị xã hoặc khu phố, chủ tịch, phó chủ tịch và thư ký đều phải chịu trách nhiệm thi hành các lệnh, mệnh lệnh hoặc án của các Tòa án; ở những nơi có Thừa phát lại riêng thì đương sự có quyền nhờ Thừa phát lại riêng thi hành mệnh lệnh. Sắc lệnh cũng quy định: “Các bản toàn sao hoặc trích sao bản án hoặc mệnh lệnh do các phòng lục sự phát cho các người đương sự để thi hành các án, hoặc mệnh lệnh của các tòa án hộ đều phải có thể thức thi hành, ấn định như sau: “Vậy Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa truyền cho các Thừa phát lại theo yêu cầu của đương sự thi hành các bản án này, các ông chưởng lý và biện lý kiểm sát việc thi hành án, cai thị chỉ huy binh lực giúp đỡ mỗi khi đương sự chiếu luật yêu cầu…”
Như vậy, trong những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám thành công, có 2 hình thức tồn tại là Thừa phát lại và Ban tư pháp xã. Tuy tồn tại hai hình thức thi hành, nhưng việc thi hành án dù do Thừa phát lại hay Ban tư pháp xã tiến hành đều thể hiện quyền lực Nhà nước và được đảm bảo bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.
Ngày 22/05/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL về “Cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng”. Theo quy định này, việc thi hành án dân sự do Thừa phát lại và Ban tư pháp xã thi hành trước đây được thay thế bằng thẩm phán huyện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án. Tiếp đó, Luật tổ chức Tòa án nhân dân 1960 đã xác định: “Tại các Tòa án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án, quyết định hình sự” (Điều 24), đồng thời Luật cũng xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Chấp hành viên, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự.
Ở miền Nam, chế định Thừa phát lại còn tồn tại dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn cho tới năm 1975. Chế định Thừa phát lại tiếp tục được quy định tại Bộ luật dân sự, Thương sự tố tụng và Bộ luật Hình sự tố tụng của chính quyền Văn Thiệu năm 1972. Nhìn chung mô hình tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn tương tự mô hình này dưới thời kỳ Pháp thuộc.
Sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, vì nhiều lý do khách quan, Nhà nước ta không tiếp tục duy trì chế định Thừa phát lại. Việc tống đạt các văn bản, giấy tờ do chính các cơ quan Thi hành án và Tòa án thực hiện. Việc tổ chức thi hành các phán quyết về dân sự của Tòa án do hệ thống cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước thực hiện.
Nhìn chung, Thừa phát lại trong thời kỳ Pháp thuộc và dưới chính quyền Sài Gòn đều có nhiệm vụ:
- Thông báo Tòa khai mạc và bế mạc, gọi các đương sự, nhân chứng, thi hành lệnh giữ trật tự tại Tòa. Đây là nhiệm vụ tại phiên tòa.
- Tống đạt giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án, lập các vi bằng theo quy định của pháp luật, phát mại động sản hay bất động sản và trực tiếp thi hành các bản án, quyết định của Tòa án. Các nhiệm vụ này được thực hiện bên ngoài phiên tòa.
Về tổ chức, Thừa phát lại là công lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và quản lý, hành nghề trên cơ sở quy định của pháp luật. Khác với luật sư, Thừa phát lại không được quyền từ chối thi hành nhiệm vụ khi được yêu cầu nếu không có lý do chính đáng. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại chịu sự chỉ đạo trực tiếp của những công chức có trách nhiệm như: Chưởng lý, Biện lý, Thẩm phán, Lục sự. Hoạt động của Thừa phát lại được tổ chức thành Văn phòng.
Trích Tài liệu “Lớp tập huấn nghiệp vụ về Thừa phát lại TP.Hồ Chí Minh ngày 18-19 tháng 12 năm 2012”
0 Nhận xét