Nghĩ tích cực hơn về xác minh thi hành án

(Hoailegal)-Pháp luật, suy cho cùng sinh ra là để đảm bảo trật tự xã hội và định hướng xử sự của con người. Khi các quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, còn sự mâu thuẫn thì nên ưu tiên áp dụng quy định nào mà bảo vệ tốt nhất quyền lợi chính đáng của công dân.
Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án là một trong 4 loại việc mà các Văn phòng Thừa phát lại được làm. Thừa phát lại đi xác minh điều kiện thi hành án vừa giúp cho bên được thi hành án bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình, đồng thời giúp các cơ quan thi hành án dân sự công đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc thi hành án cho người yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay việc xác minh này của Thừa phát lại đang gặp khó khăn lớn khi quy định pháp luật về vấn đề này chưa được hoàn thiện và đầy đủ. 

Văn bản có giá trị cao nhất làm tái sinh chế định Thừa phát lại đó là 2 Nghị quyết: Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 24/11/2008 và Nghị quyết số 36/2013/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội. Tiếp theo đó là Nghị định 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thí điểm chế định Thừa phát lại. Nói như vậy để một lần nữa khẳng định, chế định Thừa phát lại đang ở trong giai đoạn thí điểm và chưa có Luật về Thừa phát lại. Mặc dù, Nghị định 61 đã quy định khá cụ thể, chi tiết về quyền xác minh điều kiện thi hành án của các Văn phòng Thừa phát lại trong đó nêu rõ việc "Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại" trong việc cung cấp thông tin xác minh điều kiện thi hành án. Nhưng thực tế, khi đi xác minh tài sản, Thừa phát lại vẫn gặp một số trường hợp các cơ quan đang nắm giữ thông tin từ chối cung cấp thông tin cho Thừa phát lại vì viện dẫn quy định Thừa phát lại không phải là cơ quan nhà nước nên họ không có trách nhiệm cung cấp thông tin (đặc biệt rơi vào các Ngân hàng).
Thừa phát lại Quận 10 đang hỗ trợ xác minh thi hành án
Trước hết, chúng tôi xin khẳng định rằng việc các cơ quan, tổ chức từ chối Thừa phát lại bằng cách viện dẫn luật như trên là không sai. Bởi họ chỉ có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho ai được quy định rõ trong các Luật chuyên ngành về lĩnh vực của họ.

Điều mà chúng tôi muốn nói là cách hiểu luật và sự thiếu hợp tác. Thừa phát lại là một chế định mới và đang trong giai đoạn thí điểm. Công việc xác minh điều kiện thi hành án đang mang lại nhiều lợi ích cho công tác tư pháp nói chung và công tác thi hành án dân sự nói riêng. Trong tương lai, khi chế định Thừa phát lại được cho phép áp dụng thống nhất trên cả nước thì pháp luật có liên quan sẽ phải sửa đổi bổ sung nhiều. Tuy nhiên, hiện tại để đám bảo hoạt động thi hành án dân sự hoạt động tốt, trước mắt các cơ quan, tổ chức có mối liên hệ với chế định Thừa phát lại nên suy nghĩ và hợp tác một cách tích cực hơn. Chúng ta suy nghĩ sao khi bên phải thi hành án, bên có nghĩa vụ lợi dụng chính sự không nhất quán trong quy định này tẩu tán tài sản, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi bên có quyền. Pháp luật, suy cho cùng sinh ra là để đảm bảo trật tự xã hội và định hướng xử sự của con người. Khi các quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, còn sự mâu thuẫn thì nên ưu tiên áp dụng quy định nào mà bảo vệ tốt nhất quyền lợi chính đáng của công dân.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét