Vi bằng là nguồn chứng cứ, phí tống đạt tăng

 (Thừa phát lại 24h) Kể từ ngày 20/04/2014, hoạt động Thừa phát lại trên cả nước sẽ có những thay đổi lớn. Điều đó xuất phát từ sự ra đời của Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC- VKSNDTC- BTC ban hành ngày 28/02/2014 về việc hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội. Thông tư này ra đời thay thế cho các văn bản sau:
- Thông tư liên tịch số 12/2010/TTLT-BTP-BTC-TANDTC ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh;
- Thông tư liên tịch số 13/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 7 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thủ tục thực hiện một số công việc của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh;
- Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. 
Lễ khai trương văn phòng Thừa phát lại Dĩ An
Những điểm mới của Thông tư 09 nêu trên:
1.  Về mảng công việc tống đạt:
Mảng tống đạt có điểm mới đáng lưu ý nhất là phí tống đạt. Phí tống đạt và cách tính mức phí có sự thay đổi, cụ thể, Điều 13 Thông tư 09 quy định:
- Trong phạm vi cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại, phí tống đạt là  không quá 65.000 đồng/việc (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng).
- Ngoài phạm vi cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát nhưng trong địa bàn cấp tỉnh, phí tống đạt là không quá 130.000 đồng/việc (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng).
- Trường hợp tống đạt văn bản ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại thì Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về chi phí tống đạt (Chi phí phát sinh thực tế nhưng không vượt quá chế độ công tác phí theo quy định của pháp luật áp dụng đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Tiền công theo ngày làm việc của người thực hiện việc tống đạt nhưng không vượt quá mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc tại cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập...)
Điểm mới ở đây là:
- Thứ nhất, phí tống đạt tăng (50.000 đồng/việc và 100.000 đồng/việc được nâng lên tương ứng với 65.000 đồng/việc và 130.000 đồng/việc).
- Thứ hai, cách tính phí tống đạt trong địa bàn quận/huyện hay ngoài địa bàn quận/huyện có sự thay đổi. Trước đây, trong quận/huyện hay ngoài quận/huyện lấy mốc là nơi đặt trụ sở cơ quan giao văn bản tống đạt nay lấy mốc là nơi đặt trụ sở Văn phòng Thừa phát lại.
Ví dụ cụ thể cho sự thay đổi trên: Trước đây, Văn phòng Thừa phát lại Quận 10 tống đạt văn bản cho Toà án nhân dân huyện Hóc Môn mà đi trong địa bàn huyện Hóc Môn thì phí là 50.000 đồng/việc; nếu mang văn bản của Toà án nhân dân huyện Hóc Môn đến tống đạt cho đương sự ở Quận 10 thì phí là 100.000 đồng/việc. Nay phí tống đạt là 130.000 đồng/việc đối với văn bản của Toà án nhân dân huyện Hóc Môn đi trên địa bàn huyện Hóc Môn và 65.000 đồng/việc đối với văn bản của Toà án nhân dân Huyện Hóc Môn đi tống đạt đến Quận 10.
- Thứ ba, phí tống đạt văn bản ngoài địa bàn tỉnh/thành phố TƯ nơi đặt trụ sở văn phòng Thừa phát lại tống đạt chỉ quy định cách thức tính chi phí chung như nêu ở trên. Trong khi đó quy định của văn bản cũ, điểm c khoản 1 Điều 1 Thông tư số 03/2009/TT-BTP, thì phí tống đạt ngoài địa bản tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ nơi văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở do văn phòng và cơ quan chuyển giao văn bản tống đạt thoả thuận "Mức chi phí để thỏa thuận với Thừa phát lại tống đạt trong trường hợp này bao gồm: Tiền tàu xe đi, về bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ phương tiện máy bay); tiền phòng nghỉ không quá 130.000 đồng/01 ngày; tiền lưu trú không quá 70.000 đồng/01 người/01ngày (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng)"

Lễ khai trương văn phòng Thừa phát lại Cai Lậy
2.  Về mảng công việc lập vi bằng: Có 1 số điểm mới sau
a.  Phí lập vi bằng
Trước đây văn phòng Thừa phát lại không phải niêm yết mức phí lập vi bằng và mức phí này là do người yêu cầu lập vi bằng thoả thuận với Văn phòng Thừa phát lại tuỳ từng vụ việc cụ thể. Nay, văn phòng Thừa phát lại phải quy định và niêm yết công khai khung giá về chi phí lập vi bằng trong đó xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu, nguyên tắc tính (Khoản 1 Điều 16 Thông tư 09)
b.  Giá trị vi bằng
Trước đây, vi bằng được quy định là có giá trị chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Nay vi bằng chỉ có giá trị là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật (Điều 7 Thông tư 09).
c.   Về quy định sửa lỗi kỹ thuật vi bằng:
Thông tư liên tịch số 09 quy định rõ hơn về thủ tục sửa lỗi, theo đó Thừa phát lại, người đã trực tiếp lập vi bằng là người ký văn bản sữa chữa lỗi kỹ thuật. Sở Tư pháp có quyền chấp nhận hay không chấp nhận việc sửa lỗi kỹ thuật của Thừa phát lại nếu việc sửa lỗi được thực hiện khi vi bằng đã được đăng ký Sở Tư pháp (Khoản 1 Điều 8 Thông tư 09).
3.  Về mảng công việc xác minh điều kiện thi hành án:
Có 1 số điểm mới như sau:
a.  Phí xác minh điều kiện thi hành án:
Trước đây, cũng như mảng công việc lập vi bằng, văn phòng Thừa phát lại không phải niêm yết mức phí lập xác minh và mức phí này là do người yêu cầu xác minh thoả thuận với Văn phòng Thừa phát lại tuỳ từng vụ việc cụ thể. Nay, văn phòng Thừa phát lại phải quy định và niêm yết công khai khung giá về chi phí xác minh điều kiện thi hành án trong đó xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu, nguyên tắc tính (khoản 1 Điều 16 Thông tư 09).
b.  Về thủ tục xác minh điều kiện thi hành án:
Quy định mới buộc Thừa phát lại khi ra Quyết định xác minh điều kiện thi hành án phải phải gửi Quyết định cho Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại và Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án. Trước đây, Thừa phát lại đi xác minh không có thủ tục này (khoản 2 Điều 9 Thông tư 09).
4.  Về mảng công việc trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự:
Điểm mới đáng lưu ý là trong quá trình thi hành án, nếu phát sinh điều kiện thi hành án nằm ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại thì các bên cùng nhau thanh lý hợp đồng, chấm dứt việc thi hành án ở Văn phòng Thừa phát lại. Vấn đề này, trước đây chưa có quy định (khoản 1 Điều 10 Thông tư 09).
5.  Điểm mới chung cho các mảng công việc:
Thông tư liên tịch số 09 cũng đồng thời có những quy định mới, chi tiết và cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại, cụ thể như:
- Thông tư liên tịch số 09 ra đời đã ban hành một danh mục khá hoàn thiện và đầy đủ các mẫu, biểu mẫu, các loại văn bản dùng trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Thừa phát lại (113 biểu mẫu nghiệp vụ) tạo sự thống nhất trong việc ban hành biểu mẫu của các văn phòng Thừa phát lại.
- Thông tư cũng quy định chi tiết việc thanh – kiểm tra định kỳ và đột xuất của các cơ quan quản lý hữu quan nhằm đôn đốc hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại.
Tải  Thông tư và các phụ lục tại đây:

Đức Hoài (Thư ký nghiệp vụ) viết
=========================================
Mọi sự quan tâm hay yêu cầu hỗ trợ về Thừa phát lại, xin vui lòng  liên hệ:
Email:  duchoaionline@gmail.com   hoặc   duchoaiemail@gmail.com
Điện thoại:  0906 311 132   hoặc    0973 329 117
Mạng xã hội: http://www.facebook.com/vanphongthuaphatlai