Vi bằng: Bổ khuyết công chứng, phục vụ nhân dân

Vi bằng Thừa Phát Lại và Văn bản công chứng của công chứng viên 

Khi đánh giá về ý nghĩa và giá trị của vi bằng, không thể không bàn đến sự phân biệt Vi bằng Thừa Phát Lại và Văn bản công chứng của công chứng viên, vì nếu không làm rõ sự khác nhau từ bản chất của vi bằng và văn bản công chứng sẽ dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý, làm sai lệch giá trị của vi bằng; hoặc ở thái cực kia, là những điều chỉnh quá mức cần thiết, làm giảm giá trị, phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng, ảnh hưởng đến quyền lợi ích chính đáng của người dân trong việc tạo lập chứng cứ.
Thực tế thời gian qua có những trường hợp vi bằng bị nhẫm lẫn với văn bản công chứng, phổ biến trong lĩnh vực mua bán nhà đất. Tuy nhiên, Việc lập vi bằng của Thừa phát lại khác hoàn toàn với việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch của công chứng viên. Công việc của công chứng viên là xác nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng giao dịch, văn bản công chứng có giá trị thi hành đối với các bên liên quan; còn công việc của Thừa phát lại là mô tả lại những gì Thừa phát lại chứng kiến, tức là xác nhận một sự việc có thật, và vi bằng của Thừa phát lại đảm bảo một nội dung duy nhất: tính khách quan của sự việc mà Thừa phát lại chứng kiến. 
So sánh nhanh Vi bằng và văn bản công chứng

Thực tế, trong một số ít trường hợp, khi Thừa phát lại khi lập vi bằng đã không giải thích kỹ càng với người dân vi bằng được lập chỉ là chứng cứ chứng minh các bên có giao nhận tiền, nhà đất… mà không thể thay thế văn bản bắt buộc phải công chứng, dẫn đến trường hợp người dân hiểu nhầm vi bằng của Thừa phát lại thay thế văn bản công chứng của công chứng viên, từ đó thực hiện các giao dịch không đảm bảo an toàn pháp lý, và có thể phải gánh chịu thiệt hại. Đây là nhầm lẫn rất đáng tiếc mà Thừa phát lại phải rút kinh nghiệm khi lập vi bằng cho người dân. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng nên giới hạn phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại để tránh nhầm lẫn, cũng như chồng chéo với thẩm quyền công chứng chứng thực.
Đánh gía về giá trị của vi bằng trong mối quan hệ với văn bản công chứng, Công chứng viên cũng có nhận định “Thoạt nhìn, hoạt động của Thừa phát lại có những nét giống với hoạt động của công chứng viên, nhất là hành vi công chứng và hành vi lập vi bằng. Tuy nhiên hoạt động của hai chức danh này không hề chồng chéo nhau… Mục đích của hoạt động công chứng và thừa phát lại đều nhằm hỗ trợ ngăn chặn cũng như giải quyết các tranh chấp, giúp tổ chức và cá nhân bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp một cách tốt nhất”[1]

Đồng thời, do phạm vi thẩm quyền khác nhau, Công chứng viên chỉ chứng nhận hợp đồng, giao dịch bằng văn bản, trong khi đó, Thừa Phát Lại có thẩm quyền lập vi bằng về mọi sự kiện, hành vi không bị pháp luật cấm, vì vậy, Vi bằng của Thừa Phát lại đã bổ khuyết, cùng với văn bản công chứng đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân. Ví dụ như: Trong lĩnh vực mua bán nhà đất, Công chứng viên chỉ chứng nhận hợp đồng, giao dịch, còn các công đoạn khác như: giao nhận cọc, giao nhận tiền, bàn giao nhà, ghi nhận hiện trạng nhà… thì công chứng viên không tham gia. Vi bằng của Thừa phát lại đã bổ khuyết vào chổ trống nói trên, góp phần tạo ra niềm tin, giúp các bên giao dịch an toàn, thuận lợi.
Ảnh: Thừa Phát Lại Thủ Đức lập vi bằng ghi nhận giao nhận tiền tại Văn phòng Công chứng Việt An, TP.HCM
 Như vậy, vấn đề hạn chế sự nhầm lẫn về giá trị của vi bằng và văn bản công chứng cần được giải quyết ở chổ cần tuyên truyền, cần có quy định về trách nhiệm giải thích pháp luật của Thừa phát lại để người dân hiểu được đâu là giá trị của vi bằng, đâu là giá trị của văn bản công chứng chứ không cần phải đặt ra một “giới hạn” cụ thể, bởi vì về bản chất, vi bằng không bao giờ có thể thay thế được văn bản công chứng. Nếu để cho người dân nhầm lẫn giá trị của vi bằng với văn bản công chứng thì đó chính là lỗi của Thừa phát lại.
Vì vậy, Chúng tôi đồng tình việc quy định thủ tục chặt chẽ quy trình lập vi bằng, quy định trách nhiệm giải thích giá trị vi bằng của Thừa Phát Lại, đồng thời nêu rõ ý nghĩa “không thay thế văn bản công chứng, chứng thực” trong vi bằng để người dân không nhầm lẫn. Tuy nhiên, Chúng tôi không đồng tình với việc hạn chế phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng, chỉ vì e ngại người dân nhầm lẫn giá trị vi bằng. Bản chất vi bằng và văn bản công chứng hoàn toàn khác nhau, giải quyết vấn đề này phải từng bước tác động đến nhận thức, thói quen của xã hội, chứ không phải bằng biện pháp hạn chế giá trị của vi bằng.


[1] Xem tham luận của Phòng Công chứng số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, “So sánh phạm vi lập văn bản công chứng với lập vi bằng - đánh giá, nhận xét về sự độc lập, giá trị của hai loại văn bản đối với các mối quan hệ pháp lý trong xã hội”, Tài liệu tọa đàm về Vi bằng, Sở Tư pháp TP.HCM ngày 24/7/2015, tr 26.

Nguồn: Thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp - http://www.vibangthuaphatlai.vn/

Đăng nhận xét

0 Nhận xét