Cần đơn giản hóa thủ tục cho Thừa phát lại

(Thừa phát lại 24h)- Theo các văn phòng thừa phát lại, để phát huy hơn nữa hiệu quả của hoạt động tống đạt văn bản và lập vi bằng thì cần khắc phục một số bất cập về chi phí tống đạt, đăng ký vi bằng…
Theo ông Phạm Quang Giang (Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận 5, TP.HCM), thời gian tống đạt của thừa phát lại (TPL) theo quy định chỉ có năm ngày làm việc. TPL gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo thời hạn này bởi nhiều khi địa chỉ của đương sự không chính xác hoặc đương sự liên tục thay đổi chỗ ở. Một số trường hợp, tòa và cơ quan THA dân sự giao văn bản quá sát ngày triệu tập đương sự, trong khi các cán bộ tư pháp phường, xã không phải lúc nào cũng rảnh để đi cùng TPL, dẫn tới việc tống đạt bị chậm trễ.
Đơn giản hóa thủ tục tống đạt
Mặt khác, các thẩm phán tòa cấp dưới có tâm lý e ngại bị hủy án nên yêu cầu TPL phải có con dấu xác nhận của UBND phường, xã với tất cả trường hợp tống đạt. TPL phải chờ lịch hẹn của UBND phường, xã để đóng dấu, xác nhận dẫn đến việc chậm trễ ngày giao trả văn bản tống đạt. “Đây là những thủ tục còn rườm rà, tạo áp lực lớn cho các văn phòng TPL, cần phải quy định lại theo hướng đơn giản hơn” - ông Giang nói.
việc thanh toán chi phí tống đạt của các cơ quan THA dân sự cho TPL cũng còn chậm. Quy định không tính tiền tống đạt cho văn bản thứ hai trở đi ở cùng một địa chỉ cũng gây khó khăn cho TPL vì thực tế không phải làm một lần là xong.
Ông Nguyễn Đức Thịnh (Trưởng văn phòng TPL quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng cho biết từ thực tiễn hoạt động của văn phòng ông cho thấy việc xác nhận, đóng dấu của UBND phường, xã thường kéo dài, mất thời gian, trong khi phí tống đạt còn thấp. Ngoài ra, thủ tục tống đạt các văn bản của tòa chưa có sự thống nhất nên trong cùng một tòa, mỗi thẩm phán lại có yêu cầu khác nhau.
Nhân viên Văn phòng TPL quận Thủ Đức (TP.HCM) đang tống đạt văn bản đến tận tay đương sự. Ảnh: T.TÙNG
“Cần có hướng dẫn về trường hợp bắt buộc phải có con dấu của UBND phường, xã theo hướng đơn giản nhất. Theo tôi, chỉ nên sử dụng con dấu của UBND phường, xã trong việc niêm yết văn bản, còn các loại hình tống đạt khác thì chỉ cần sử dụng con dấu của văn phòng TPL là đủ. ngành tòa án TP và Sở Tư pháp TP cũng cần phối hợp thống nhất biểu mẫu, quy trình, nội dung ghi trong biên bản tống đạt” - ông Thịnh đề xuất.
Bà Đỗ Thị Thúy Hảo (Trưởng văn phòng TPL quận Tân Bình, TP.HCM) thì đề nghị rút gọn quy trình tống đạt theo hướng chỉ cần TPL ký tên, đóng dấu vào các biên bản tống đạt là đủ. “TPL tự chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của văn bản tống đạt. Nếu tống đạt không đúng thì không được tính phí mà phải làm lại, nếu gây thiệt hại cho các bên đương sự thì phải bồi thường” - bà Hảo nói.
Mở rộng thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng
Về lập vi bằng, ông Lê Mạnh Hùng (Trưởng văn phòng TPL quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: Các hạn chế trong hoạt động này chính là thẩm quyền và phạm vi lập vi bằng của TPL.
Ông Hùng đề xuất không nên hạn chế TPL lập vi bằng liên quan đến hợp đồng, giao dịch như hiện nay. Bởi lẽ vi bằng không phải là hợp đồng, giao dịch mà chỉ ghi nhận một sự kiện mà các bên tiếna hành giao dịch nên không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào quá trình lập vi bằng. Hơn nữa, việc lập vi bằng ghi nhận lời khai, lời trình bày, tuyên thệ, cuộc họp là phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế cuộc sống. Cần khuyến khích loại vi bằng này vì nó sẽ phục vụ đắc lực cho hoạt động xét xử của tòa.
Ông Hùng cũng đề xuất nên cho TPL quyền được lập vi bằng liên quan đến các hành vi, sự kiện của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ. Có thể hạn chế việc lập vi bằng liên quan đến bí mật quân sự, hoạt động của lực lượng vũ trang, hoạt động xét xử của tòa, hoạt động THA của cơ quan THA dân sự, hoạt động cưỡng chế của Nhà nước. Còn những sự việc khác thì không nên cấm nếu người yêu cầu lập vi bằng chứng minh được quyền, nghĩa vụ của họ bị ảnh hưởng bởi hành vi của cán bộ, công chức.
Một vấn đề khác, theo ông Hùng, không thể buộc TPL phải biết, phải đảm bảo mục đích sử dụng của vi bằng vì người yêu cầu lập vi bằng có quyền tùy nghi sử dụng vi bằng trong khuôn khổ pháp luật. Vi bằng được lập chỉ với một mục đích duy nhất là tạo lập chứng cứ và TPL cũng không phải là cơ quan có thẩm quyền xác định sự kiện, hành vi nào là sự kiện, hành vi trái pháp luật. Ngoài ra, không nên giới hạn phạm vi lập vi bằng trong phạm vi tỉnh, thành nơi văn phòng TPL có trụ sở như hiện nay.
theo hai ông Phạm Quang Giang và Nguyễn Đức Thịnh, nên bỏ việc đăng ký vi bằng vì phát sinh nhiều bất cập: Cơ quan có trách nhiệm đăng ký (công nhận hoặc từ chối vi bằng) phải thêm việc, trong khi đương sự thì cần vi bằng ngay. Nếu vi bằng ghi nhận đúng nhưng bị từ chối đăng ký hoặc ngược lại vi bằng ghi nhận sai nhưng lại cho đăng ký thì cơ quan, cán bộ đăng ký có chịu trách nhiệm gì không? Trong khi về bản chất, vi bằng không phải là hợp đồng (không mang tính nội dung), không chứng nhận nội dung hợp đồng, giao dịch hay ghi nhận chữ ký như thủ tục công chứng mà chỉ là một văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi. Vì thế, tốt nhất nên để cho TPL chịu trách nhiệm về tất cả vi bằng do mình lập ra.


TP.HCM đề xuất tháo gỡ khó khăn
Về hoạt động tống đạt văn bản của TPL, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp, TAND Tối cao chỉ đạo các cơ quan THA dân sự và tòa án cấp dưới đẩy mạnh chuyển giao văn bản cần tống đạt; hướng dẫn rõ quy trình, thủ tục cũng như thanh quyết toán chi phí tống đạt. Kiến nghị các bộ, ngành có liên quan cần sớm xem xét điều chỉnh tăng chi phí tống đạt.
Về hoạt động lập vi bằng, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể về phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng, thủ tục đăng ký vi bằng, trách nhiệm của cơ quan đăng ký vi bằng. Nên theo hướng việc đăng ký chỉ nhằm mục đích xác nhận việc có lập vi bằng, còn nội dung của vi bằng và những vấn đề liên quan khác sẽ do TPL chịu trách nhiệm.
Phí tống đạt: Tối đa 130.000 đồng/việc
Theo Thông tư liên tịch 09-2014 giữa Bộ Tư pháp - TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Tài chính thì phí tống đạt các văn bản của tòa án, cơ quan THA dân sự hiện nay như sau:
Trong phạm vi cấp huyện nơi đặt văn phòng TPL: Không quá 65.000 đồng/việc (trước đây không quá 50.000 đồng/việc - theo Thông tư 12-2010). Ngoài phạm vi cấp huyện nơi đặt văn phòng TPL nhưng trong địa bàn cấp tỉnh: Không quá 130.000 đồng/việc (trước đây không quá 100.000 đồng/việc).
Riêng trường hợp tống đạt ngoài địa bàn cấp tỉnh thì tòa án, cơ quan THA dân sự thỏa thuận với văn phòng TPL về chi phí tống đạt (chi phí phát sinh thực tế, tiền công theo ngày làm việc của người thực hiện việc tống đạt)..
Nguồn: http://phapluattp.vn/ (Tiêu đề do người đăng đặt lại)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét