Vấn đề mở rộng thẩm quyền thi hành án của Thừa phát lại

 (Hoailegal) -Tại sao văn phòng Thừa phát lại chỉ được thi hành án trong phạm vi quận mình hoạt động?
-----------------------------------------------------------------------------------------
Vừa qua, chuyên trang Tìm hiểu về Thừa phát lại nhận được thắc mắc của 1 độc giả có tên là Van Cao với nội dung như trên.
Trước hết, chuyên trang tìm hiểm về Thừa phát lại xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Chuyên trang xin giải đáp bạn như sau:
Theo chúng tôi hiểu, ý của bạn muốn hỏi “Tại sao Thừa phát lại chỉ được thi hành án tương đương với chức năng tổ chức thi hành án của chi cục thi hành án dân sự quận/huyện nơi đặt trụ sở văn phòng Thừa phát lại?”. Bởi hiện tại, văn phòng Thừa phát lại được thi hành án ngoài phạm vi quận/huyện nơi mình hoạt động nếu “đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại. Ví dụ, Văn phòng Thừa phát lại Quận 10 TP.HCM đang thi hành 1 bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân Quận 10 thì có quyền tổ chức cưỡng chế thi hành án 1 căn nhà toạ lạc tại Quận Gò Vấp của người phải thi hành án.
Hình minh hoạ
Quay lại với câu hỏi “Tại sao Thừa phát lại chỉ được thi hành án tương đương với chức năng tổ chức thi hành án của chi cục thi hành án dân sự quận/huyện nơi đặt trụ sở văn phòng Thừa phát lại?”:
v    (*) Dưới góc độ lý luận, vấn đề trên có mấy cách lý giải như sau:
-         Thứ nhất, chế định Thừa phát lại được tái lập nhằm thực hiện chủ trương xã hội hoá  1 số hoạt động tư pháp ở Việt Nam trong đó có hoạt động thi hành án. Thừa phát lại ra đời nhằm chia sẻ công việc thi hành án với cơ quan thi hành án công. Tuy nhiên, thi hành án là hoạt động mang tính chất khu vực, địa bàn có mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan Toà án quận/huyện, UBND các phường/xã thuộc quận/huyện nơi có cơ quan thi hành án. Các văn phòng Thừa phát lại được thành lập tương tự mô hình cơ quan thi hành án dân sự công tức được thành lập theo hướng mỗi đơn vị hành chính cấp quận/huyện chỉ có 1 văn phòng Thừa phát lại. Như vậy, văn phòng Thừa phát lại tương tự các chi cục thi hành án dân sự về mặt tổ chức và quy mô. Vậy nên, quy định thẩm quyền thi hành án của văn phòng Thừa phát lại tương đương với thẩm quyền thi hành án của chi cục thi hành án nơi đặt trụ sở văn phòng Thừa phát lại là hợp lý.
-         Thứ hai, Thừa phát lại là 1 chế định còn non trẻ và đang ở giai đoạn thí điểm. Thừa phát lại ở Việt Nam hiện tại đang vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Trong khi đó, hoạt động thi hành án trước khi có Thừa phát lại do đội ngũ cán bộ thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự công dày dạn kinh nghiệm đảm trách nhưng vẫn không đáp ứng hết yêu cầu giải quyết việc thi hành án trong phạm vi thẩm quyền, địa bàn mà các cơ quan này phụ trách. Vậy, nếu quy định thẩm quyền của Thừa phát lại quá rộng về phạm vi địa bàn thì chưa phù hợp yêu cầu giải quyết công việc.
-         Thứ ba, một số quan điểm cho rằng nên mở rộng thẩm quyền thi hành án của Thừa phát lại theo hướng được giải quyết 1 số công việc mà hiện tại đang thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục thi hành án dân sự (cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh). Chuyên trang Thừa phát lại cho rằng, điều này là chưa phù hợp với năng lực của các văn phòng Thừa phát lại hiện tại. Bởi vì, vụ việc thi hành án thuộc thẩm quyền giải quyết của các Cục thi hành án dân sự là những vụ việc có mức độ khó cao và cần sự phối hợp giải quyết của rất nhiều cơ quan ban ngành (ví dụ: vụ việc thi hành án mà có đương sự hoặc tài sản thi hành án ở nước ngoài…) trong khi đội ngũ Thừa phát lại và quy mô tổ chức của các Văn phòng Thừa phát lại như đã nói ở trên là chưa đáp ứng được yêu cầu này.
-         Thứ tư, mặc dù là 1 tổ chức tư nhân nhưng hoạt động thi hành của Thừa phát lại mang tính chất công quyền. Do đó, nếu quy định thẩm quyền thi hành án của văn phòng Thừa phát lại quá rộng về địa bàn thì dễ dẫn đến các vấn đề tiêu cực:
+ Thẩm quyền thi hành án của các văn phòng Thừa phát lại chồng chéo nhau và chồng chéo ngay cả với các cơ quan thi hành án công.
+ Tình trạng chạy đua, giành giật khách hàng trong hoạt động thi hành án rất dễ dẫn ra. Điều này vừa ảnh hưởng đến dịch vụ công đang được cung cấp, vừa ảnh hưởng đến uy tín của Thừa phát lại và lớn hơn là ảnh hưởng đến khả năng thành bại của chủ trương thí điểm chế định này.

v    (**) Dưới góc độ pháp lý, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của chế định Thừa phát lại thí điểm tại TP.HCM, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi một số điểm của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP đều quy định chức phạm vi thẩm quyền tổ chức thi hành án dân sự của Thừa phát lại tương đương mảng thi hành án theo đơn yêu cầu của chi cục thi hành án quận/huyện nơi đặt trụ sở văn phòng Thừa phát lại.
Hy vọng với lý giải trên đã phần nào giải đáp được thắc mắc của độc giả … và giúp cho các độc giả của chuyên trang Tìm hiểu về Thừa phát lại hiểu hơn về 1 mảng công việc mà các Thừa phát lại đang làm.


 Đức Hoài

Đăng nhận xét

0 Nhận xét