(Hoailegal) - Sở Tư pháp Hải Phòng vừa ra thông báo về bổ nhiệm Thừa phát lại và đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại (11/12/2013):
Hình minh họa Thừa phát lại
Toàn văn thông báo như sau:
THÔNG BÁO
Về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại
và thành lập, đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại
Thực hiện Quyết định số 2498/QĐ-BTP ngày 11/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án "Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hải Phòng"; theo chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Sở Tư pháp thông báo:
1. Những người đã tham gia học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại và được Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp thông báo đạt tại kỳ thi bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại có nhu cầu hành nghề Thừa phát lại nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng.
Hồ sơ gồm có:
- Đơn xin cấp Thẻ Thừa phát lại;
- Sơ yếu lý lịch;
- Bản sao chứng thực các giấy tờ Chứng minh thư nhân dân, Sổ hộ khẩu, Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại do Học viện Tư pháp cấp (những trường hợp chưa kịp cấp chứng chỉ thì có xác nhận, thông báo của Học viện Tư pháp đã đạt kết quả lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại);
- Giấy khám sức khỏe;
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Giấy cam kết không hành nghề khác trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý, trọng tài thương mại, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, bán đấu giá tài sản)
- 04 ảnh 3x4.
Sau khi nhận hồ sơ, Giám đốc Sở Tư pháp sẽ thành lập Hội đồng xét duyệt; xin ý kiến Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại thành phố Hải Phòng và trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm đối với những trường hợp được duyệt.
2. Về thành lập Văn phòng Thừa phát lại:
- Thừa phát lại thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải có hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng Thừa phát lại nộp tại Sở Tư pháp để trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
- Hồ sơ gồm có:
a) Đơn đề nghị thành lập văn phòng Thừa phát lại;
b) Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại, trong đó nêu rõ về sự cần thiết thành lập; dự kiến về tổ chức, tên gọi; bộ máy giúp việc, trong đó nêu rõ số lượng, chức danh, trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị của những người giúp việc; địa điểm đặt trụ sở; các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện. Kèm theo đề án phải có các tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập văn phòng Thừa phát lại.
c) Bản sao quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại.
3. Về cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại:
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp.
- Khi đăng ký hoạt động phải có đơn đăng ký hoạt động và giấy tờ chứng minh điều kiện đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại.
- Sở Tư pháp thành phố thẩm định hồ sơ và cấp giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động.
4. Để biết thêm chi tiết đề nghị liên hệ theo địa chỉ: Phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp - số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng, điện thoại 0313.641587./.
Đức Hoài
0 Nhận xét