Quy định sơ sài về chấm dứt thi hành án Thừa phát lại

(Thừa phát lại 24h)-Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC- VKSNDTC- BTC ban hành ngày 28/02/2014, có hiệu lực từ ngày 20/04/2014 và sẽ điều chỉnh nhiều vấn đề của hoạt động thí điểm Thừa phát lại. Tuy nhiên, quy định của Thông tư buộc Thừa phát lại phải chấm dứt việc thi hành án khi phát sinh điều kiện thi hành án ngòai địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ nơi đặt văn phòng Thừa phát lại thì còn nhiều điểm phải bàn.
Cụ thể, Điều 10 của Thông tư quy định:
"Điều 10. Chấm dứt việc thi hành án
1. Trường hợp người yêu cầu đề nghị Văn phòng Thừa phát lại không tiếp tục việc thi hành án hoặc Thừa phát lại tổ chức thi hành án mà phát sinh điều kiện thi hành án nằm ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại thì xử lý như sau:
a) Các bên cùng nhau thanh lý hợp đồng;
b) Trưởng Văn phòng Thừa phát lại ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi các quyết định, thông báo, văn bản về thi hành án chưa thực hiện xong;
c) Các vấn đề khác phát sinh được giải quyết theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không được áp dụng đối với trường hợp người yêu cầu đề nghị Văn phòng Thừa phát lại chấm dứt việc thi hành án làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
3. Trong quá trình thanh lý hợp đồng và giải quyết các vấn đề phát sinh, nếu có tranh chấp thì các bên yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật."
Hình minh hoạ: Văn phòng Thừa phát lại Bình Thạnh
 đang tổ chức thi hành án 
Quy định trên chưa thực chi tiết và phù hợp.
Thứ nhất, đặt trường hợp văn phòng Thừa phát lại Quận 10, TP.HCM đang tổ chức thi hành án. Nếu trong vụ việc thi hành án, người phải thi hành án vừa có điều kiện thi hành án trong địa bàn TP.HCM vừa có điều kiện thi hành án nằm ở Bình Dương thì giải quyết như thế nào? Thừa phát lại sẽ chấm dứt việc thi hành án hay vẫn tiếp tục thi hành?
Thứ hai, Thông tư còn quy định quá sơ sài việc việc giải quyết hệ quả của việc chấm dứt thi hành án của Thừa phát lại, không đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án, gây lúng túng cho Thừa phát lại. Cụ thể, Thông tư chỉ đưa ra quy định chung chung rằng, các vấn đề khác phát sinh khi chấm dứt thi hành án thì giải quyết theo pháp luật thi hành án dân sự, nếu có tranh chấp thì đưa ra Tòa án giải quyết. Trong trường hợp này, lẽ ra nên có quy định hướng dẫn chi tiết hơn về việc làm sao để người được thi hành án được tiếp tục được thi hành án. Đó có thể là cơ chế ủy thác thi hành án giữa các cơ quan thi hành án dân sự (trong đó có các văn phòng Thừa phát lại) mà Luật thi hành án dân sự đã quy định...
Các văn phòng Thừa phát lại sẽ "chưng hửng" khi:
- Vừa mới xác minh được người phải thi hành án có tài sản để thi hành án (tài sản nằm ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi đặt văn phòng Thừa phát lại)/ hoặc 
- Khi đang xử lý tài sản thi hành án nằm trong địa bàn cấp tỉnh của văn phòng Thừa phát lại nhưng phát sinh yếu tố điều kiện thi hành án ngoài tỉnh thì phải ngưng hết mọi việc và "thu hồi các quyết định, thông báo, văn bản về thi hành án chưa thực hiện xong..."
Người được thi hành án không biết phải tiếp tục việc thi hành án của mình như thế nào trong khi trước mắt họ phải giải quyết quyết toán phí với văn phòng Thừa phát lại, một vấn đề mà cả văn phòng Thừa phát lại và cả người được thi hành án chưa biết thống nhất sao cho phù hợp.
Còn người phải thi hành án thì có thêm thời gian và lợi dụng điều này để tẩu tán tài sản....

Đức Hoài (TKNV) viết