(Hoailegal)-Ngày 18.10, Chính phủ ban hành Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2009/NĐ-CP về thừa phát lại. Nghị định 135 đổi tên, từ thí điểm tổ chức thừa phát lại tại TP.HCM nay mở rộng ra một số tỉnh, thành phố khác.
Hình minh họa
Nghị định 135 “mở cửa” kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan đăng ký tài sản khác, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của thừa phát lại khi thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã cung cấp.
Chính phủ còn giao Bộ Tư pháp phối hợp Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc xác minh điều kiện thi hành án cửa thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của người dân, mức phí do văn phòng thừa phát lại tự thỏa thuận với người dân, trừ các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, vi phạm bí mật đời tư…
Về quyền bí mật đời tư, Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định:
“1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân có thể là thông tin về bệnh án, quan hệ yêu đương, tính cách, sở thích, các đời vợ/chồng, con ngoài giá thú…
Một thừa phát lại tại TP.HCM cho biết đã có một số khách hàng đến yêu cầu lập vi bằng việc ngoại tình của vợ hoặc chồng mình. Thế nhưng văn phòng thừa phát lại phải từ chối, vì việc lập vi bằng ngoại tình rất dễ vi phạm bí mật đời tư của cá nhân. Thừa phát lại không thể theo chân khách hàng đến đứng trước khách sạn X, Y, Z… nào đó rồi lập vi bằng theo kiểu mấy giờ ngày nào, thừa phát lại trông thấy ông A và bà B cùng vào khách sạn… được. Mà muốn vào tận phòng họ thuê, kêu mở cửa để lập vi bằng thì thừa phát lại cũng không được phép làm.
Đức Hoài
0 Nhận xét